Cây dâu tằm trong thế giới cây cảnh

Một tác phẩm bonsai lũa đẹp từ gốc dâu tằm là niềm hãnh diện của giới chơi cây cảnh không chuyên lẫn chuyên nghiệp, bởi lũa dâu tầm đẹp lại được tin là trừ tà, mang vận may đến cho gia chủ, trái dâu tằm cũng rất bắt mắt dễ thương. Nhược điểm của cây dâu tằm là lá hơi bị lớn, tuy nhiên người ta lặt bỏ lá, chỉ chừa trái khi trưng bày triển lãm khiến cây dâu tằm thêm sinh động lạ kỳ và thường có giá cao khi bán ở các hội hoa xuân – cây cảnh.

AgriMark tổng hợp kiến thức về cây dâu tằm để các bạn yêu cây cảnh tham khảo nhé!

Năm 2015, trong chương trình trưng bày triển lãm cây cảnh nghệ thuật ở chùa Nành, xã Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), cây dâu tằm của ông Chu Mạnh Hùng đang được rất nhiều người dân đến xem bởi sự độc và lạ của nó. Cây được trả giá 100 triệu đồng.

Dâu tằm, cũng gọi là dâu trắng, có tên khoa học là Morus alba, có nguồn gốc ở khu vực phía đông châu Á.

Cây dâu tằm quan trọng vì lá của cây dâu là nguồn thức ăn của con tằm, một loại côn trùng hữu ích cho loài người. Con tằm Bombyx Mori ăn lá dâu và nhã tơ. Tằm Bombyx Mori là tằm thuần hóa được nuôi trong nhà. Trong trạng thái thiên nhiên có tằm Bombyx Mandarina.

Theo truyền thuyết nghề nuôi tằm bằng lá dâu để tằm nhã tơ đã có ở Trung Hoa cách đây 5,000 năm. Người Trung Hoa cho rằng hoàng hậu Lei Zu (Lôi Chấn) tức Xi Lingshi (Tập Linh Thi) của Huangdi (Hoàng Đế 2697- 2597 trước Tây Lịch) đã phát hiện ổ kén và con tằm khi uống trà dưới một tàn cây dâu (?).

Con tằm và cây dâu trở thành bí mật kinh tế quốc gia. Ai đem trứng tằm ra khỏi nước bị xử tội nặng nề nếu bị bắt. Dù vậy việc trồng dâu nuôi tằm sớm xuất hiện ở Triều Tiên rồi Nhật Bản. Đến thế kỷ VI sau Tây Lịch, đế quốc Bizantin mới biết đến việc nuôi tằm để nhã tơ. Nhưng tơ lụa Trung Hoa vẫn được xem là tơ lụa đẹp và quí vào thời Trung Cổ và Phục Hưng ở Âu Châu. Marco Polo (1254-1324), một người Ý gốc ở Venice, đã dùng đường bộ đi từ đông Địa Trung Hải sang Trung Hoa thời nhà Nguyên (Yuan). Đó là con Đường Tơ Lụa xuyên qua vùng núi rừng và sa mạc hiểm trở.

Cây dâu tằm là một loài cây gỗ từ nhỏ đến nhỡ, lớn nhanh, có thể cao tới 15–20 m. Thông thường nó sống từ 8-12 năm, nhưng nếu đất tốt và chăm sóc tốt thì tuổi thọ tới 50 năm. Thân cành nhiều nhựa không gai, trên thân cành có nhiều mầm, mầm đỉnh, mầm nách, khi cắt tỉa mầm có khả năng cho bật mầm. Lá hàng năm rụng vào mùa đông. Rễ ăn sâu và rộng 2–3 m, nhưng phân bố nhiều ở tầng đất 10–30 cm và rộng theo tán cây. Quả của cây dâu tằm có vị nhạt, không đậm đà như hương vị của các loại dâu khác như dâu đỏ và dâu đen. Quả của nó có màu từ trắng đến hồng đối với các loại cây được trồng trọt, nhưng màu quả tự nhiên của loài này khi mọc hoang là màu tía sẫm.

Bonsai dâu tằm

Trên các cây non và khỏe mạnh, lá dâu tằm có thể dài tới 20 cm, có dạng thùy sâu và phức tạp, với các thùy tròn. Trên các cây già, chiều dài trung bình của lá khoảng 8–15 cm, có hình tim ở gốc lá, nhọn ở chóp lá và có các khía răng cưa ở mép lá.

Phân bố

Dâu tằm được trồng phổ biến tại các khu vực có nhiệt độ thích hợp là 25-32 °C, như các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của Bắc bán cầu, cũng như được tự nhiên hóa trong các khu vực dân cư của Hoa Kỳ, tại đây nó được lai giống với loại cây có nguồn gốc ở Mỹ là dâu đỏ (Morus rubra). Trên thực tế, một số người lo ngại về khả năng tồn tại về mặt di truyền dài hạn của cây dâu đỏ do việc lai giống tích cực trong một số khu vực.

Sử dụng

Lá của cây dâu tằm là thức ăn ưa thích của tằm dâu (Bombyx mori). Đây là nguồn gốc của tên gọi cây dâu tằm. Nó cũng được sử dụng làm thức ăn cho gia súc (bò, dê v.v) trong các khu vực mà trong mùa khô bị hạn chế về các loại thức ăn như cỏ.

Loại cây trồng có cành rủ xuống của loài dâu tằm Morus alba ‘Pendula’ là một loại cây cảnh thông thường. Cây cảnh này được nhân giống bằng cách ghép cành của loại cây có cành rủ xuống lên trên phần thân cây của loại không có cành rủ xuống.

Cây dâu tằm về mặt khoa học nổi tiếng nhất nhờ chuyển động thực vật nhanh của nó. Hoa của nó gieo rắc phấn hoa vào không khí rất nhanh (25 μs) bằng cách giải phóng năng lượng lưu trữ tại nhị hoa. Tốc độ của chuyển động tạo ra đạt trên một nửa vận tốc âm thanh trong không khí, điều này làm cho nó là chuyển động nhanh nhất trong giới thực vật.

Cây Dâu trong văn hóa Việt Nam

Gỗ cây dâu tương truyền có phép trừ ma quỷ nên các thầy pháp thường dùng cây roi bằng gỗ dâu trong các động tác phù chú theo tín ngưỡng dân gian.

Văn học

Áng văn Nôm Chinh phụ ngâm khúc với bản dịch của Đoàn Thị Điểm có câu:

Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?

Thơ của Nguyễn Bính có câu:

Em ơi! Em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương.

Bản nhạc “Trăng sang vườn chè” của Văn Phụng thì nhắc đến:

Vì tằm tôi phải chạy dâu
Vì chồng tôi phải qua cầu đắng cay.

Cây dâu tằm trong y học dân gian

Hầu hết các bộ phận của cây dâu tằm đều có vị thuốc quý, kể cả những thứ bám vào cây dâu (như tầm gửi, tổ bọ ngựa, sâu dâu…)

Tác dụng chữa bệnh: lá dâu (tang diệp) có tác dụng hạ sốt, chữa cảm mạo, hạ huyết áp, làm sáng mắt, chữa chứng mồ hôi trộm ở trẻ nhỏ, chứng thổ huyết, làm lành vết thương.

Cách dùng: lá dâu tươi: 50 g sắc với 200 ml, còn 100 ml, chia uống hai lần trong ngày (sáng, chiều để chữa cảm mạo, sốt cao, cao huyết áp). Chứng thổ huyết: lấy lá dâu già sao vàng hạ thổ dùng 12 – 20 g, sắc với 100 ml còn 50 ml, uống ngày 2 lần. Trẻ con đổ mồ hôi trộm: dùng  30 – 40 g lá dâu non, thái nhỏ, nấu với thịt nạc cho trẻ ăn liên tục 15 – 20 ngày. Vết thương, mụn nhọt lâu lành miệng dùng lá dâu già rửa sạch, sao thật vàng, tán mịn, rắc vào vết thương.

Vỏ, rễ cây dâu (tang bạch bì): chữa chứng ho lâu ngày, sốt cao, băng huyết, cao huyết áp… Cách làm: vỏ rễ cây cắt nhỏ, sao vàng hạ thổ (tán nhỏ hay để nguyên cũng được). Liều dùng 20 g/ngày sắc với 100 ml, còn 50 ml uống trong ngày. Cành dâu (tang chi): chặt thành từng đoạn dài 3 – 4 cm, phơi khô, sao vàng hạ thổ; Có thể dùng độc vị (chỉ có cành dâu) hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác để chữa các chứng đau nhức xương khớp (nhất là ở tay chân). Quả dâu (tang thâm) có tác dụng bổ gan, thận huyết, tiểu đường, lao hạch. Lấy quả dâu chín rửa sạch rồi đem nấu cao mềm, ngâm rượu hoặc làm mứt (khi ngâm rượu thì  chỉ dùng 50 ml vào buổi tối).

Cây tầm gửi trên cây dâu (tang ký sinh): có tác dụng trị các chứng đau nhức xương cốt, lợi sữa, an thai. Để trị chứng phong thấp thường phối hợp với các vị thuốc khác (trong bài thuốc độc hoạt tang ký sinh). Tổ bọ ngựa trên cành dâu (tang phiêu tiêu): có tác dụng trị chứng đái dầm ở trẻ nhỏ, di tinh, liệt dương. Cách dùng lấy tổ bọ ngựa nướng vàng, tán mịn, ngày dùng 10 g, chia làm 2 lần, dùng liên tục 15-20 ngày. Cần chú ý tang ký sinh và tang phiêu tiêu là hai vị thuốc rất quý và hiếm, cần thận trọng khi thu mua, vì chỉ có ở những cây dâu lâu năm, còn dâu trồng theo dạng công nghiệp thì không thể có được.

Sâu dâu (là ấu trùng của con xén tóc) có tác dụng đối với trẻ còi xương, suy dinh dưỡng, bồi bổ sức khỏe cho người già yếu. Cách dùng nướng 1-2 con sâu dâu cho trẻ ăn 1-2 lần/ngày. Hoặc dùng ngâm rượu cho người lớn (có thể phối hợp với 1 số loại thuốc khác để tăng tác dụng). Chú ý cách bắt sâu, vì ban ngày sâu chui xuống đất, ban đêm mới bò lên thân cây để đục thân, vì vậy phải bắt vào khoảng 21 giờ – 4 giờ sáng, dùng dao bén phạt vào thân cây, dưới chỗ phân đùn ra chừng 15-20 cm, làm nhanh gọn, dứt khoát, nếu không sâu sẽ chui xuống đất.

Trên đây là một số thông tin và kiến thức về cây dâu tằm. Chúc các bạn có thêm tác phẩm nghệ thuật đẹp từ loài cây này.

Xem thêm: Ghép cây bằng bánh tráng nhúng nước ll Câu chuyện “cây vả và cây sung” – Kinh nghiệm phân biệt 

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK tại Hội Quán SAIGON Ta
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
CÔNG TY PHIM CÁCH NHIỆT VÀ TRANG TRÍ NHÀ XANH
76/80 Lê Văn Phan, P. Phú Thọ Hòa, Q. Tân Phú - Tel/ Fax: 08 38610665
 Emai: [email protected] - Hot line: 0898 422 418
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
EMG