Khái niệm về lũa, tham khảo vài kỹ thuật lũa trong tạo tác bonsai

Trong lằn ranh giữa sự sống và cái chết,  càng làm nổi bật sức sống mãnh liệt của cây cổ thụ qua tác động bởi thiên nhiên. Một tác phẩm lũa đẹp luôn là ước muốn của người chơi bonsai.

Chúng ta hãy tham khảo những khái niệm và kỹ thuật cơ bản trong tạo tác Lũa dưới sự trình bày của những nghệ nhân bonsai. Đầu tiên là cách trình bày của người Đài Loan.

Một vài khái niệm cơ bản
– Lũa trong bài viết này ý nói tới cả Jin và Shari (Jin là cành cây khô tróc vỏ, Shari là đoạn thân bị tróc vỏ)
– Si-diao là làm lũa theo kiểu bóc và tước từng thớ gỗ ra như tước dọc mùng vậy, kiểu làm này nhìn rất tự nhiên.


4 bước làm lũa

Đầu tiên ta có một đoạn thân mọc lên từ gốc như thế này.

Bóc vỏ

Dùng dao hoặc dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ vỏ và các mô mềm, mục. Nên cạo từ dưới lên sẽ dễ dàng hơn, và nhớ không cạo phần vỏ dưới đất để tránh mục gỗ.

Tước xơ gỗ

Dùng kìm bổ nhỏ cành từ phía trên, sau đó tước ngược từng mảnh gỗ chẻ ra về phía gốc, vừa tước vừa bẻ sao cho khi tới gần điểm dừng dự kiến thì có thể tách mảnh gỗ ra. Nói thì khó hiểu vậy chứ bạn làm 1 lần sẽ biết ngay thôi.

Làm mịn

Ta cần loại bỏ các gai gỗ nhỏ trên bề mặt lũa để lũa trông được tự nhiên. Có 4 cách để làm mịn:
1. Dùng giấy ráp đánh cho nhẵn (mình ra cửa hàng sắt nói mua cả giấy ráp thô và giấy ráp mịn, rẻ thôi 1000đ/tờ) Đây là cách rẻ tiền nhưng làm tốn công.
2. Dùng bánh vải đánh bóng inox để mài. Đây là cách tốt nhất, an toàn nhất, nhưng cũng tốn tiền nhất!

3. Dùng đèn khò đốt cháy các xơ gỗ. Đừng lo những vết cháy đen làm xấu lũa, bởi nó dễ dàng bị xóa đi khi bôi lime sulphur.

4. Không bôi thuốc chống mục, để tự nhiên 1 thời gian cho gỗ mục tự nhiên rồi dùng bàn chải sắt chải sạch gỗ và bôi thuốc chống mục lên.

Bôi thuốc chống mục gỗ

Cuối cùng ta bôi thuốc  chống mục gỗ.

Tham khảo thêm về Kỹ thuật tạo tác Lũa trên Cây linh sam

1- Một cây linh sam được mô tả là có lũa nguyên thủy được hiểu rằng: là cây khai thác từ thiên nhiên về có sẳn bộ lũa tự nhiên “trời cho” không có bất kỳ sự tác động nào của bàn tay con người làm thay đổi cấu trúc ban đầu của bộ lũa. Nếu có tác động thì chỉ là làm vệ sinh sạch bề mặt lũa hay có thể phủ lên một lớp bảo vệ lũa chứ không có dấu vết của máy làm thay đổi vân lũa.

Tuy nhiên một cây linh sam có bộ lũa dài quá chẳng hạn khi được cắt bớt lại và tại vị trí cắt đó được gọt dũa cho có thẩm mỹ thì cũng có thể được cho là cây có lũa nguyên thủy.

   Còn nếu dùng đồ nghề gọt dũa tạo vân gỗ mới trên phần lớn thân lũa nguyên thủy thì không gọi là lũa nguyên thủy nữa mà là “lũa chế tác “

2- Cây lũa ghép: là cây được người chơi lấy phần lũa rời khác gắn áp vào tô điểm thêm cho cây.

3- Cây lũa chế tác (đánh lũa, tạo lũa) là lũa được tác động bởi người chơi cây bằng các loại dụng cụ cầm tay. Trường hợp này có thể như sau:

a- Cây có lũa nguyên thủy nhưng bộ lũa đó to hay thô quá… người chơi dùng đồ nghề gọt dũa lại theo ý của mình.

b- Cây có phần thân gỗ bị chết một phần người chơi dung đồ nghề tạo vân lũa.

c- Cây có phần thân còn sống nhưng người làm cây “ biến “ nó thành lũa.

d- Cây có lũa chế tác + ghép thêm lũa

Kỹ thuật tanuki: ghép cây non với gốc cây chết hoặc gỗ lũa

Nguồn: Đỗ Văn Luật (hiệu trưởng trường Bonsai Đông Sơn, vương quốc Bỉ)

Tanuki là một từ của Nhật, diễn tả một kỹ thuật trong nghệ thuật tạo dáng Bonsai. Kỹ thuật taniki là dùng các thân cây chết, hoặc gỗ lũa … đã có những đường cong, nét uốn và độ lớn sẵn… và các cây sống tương đối còn non đang sức phát triển để tạo dáng.

Kỹ thuật taniki giúp chúng ta hồi phục lại giá trị các thân cây chết, và dùng bất cứ loài cây sống nào mà chúng ta ưu thích để tạo dựng thành một cây cảnh nghệ thuật có vẻ già cỗi.

Nếu chúng ta thích tùng, bách, phi lao, la hán tùng .. mai vàng, mai trắng, mai chiếu thủy .. khế, ổi, me, sơn trà, cần thăng… hoặc những cây phát triển nhanh như sung, gừa, si, sộp, sanh .. chúng ta đều có thể ứng dụng được cả. Và như vậy, tanuki giúp chúng ta tự do hơn trong khi chọn lựa đối tượng (cây chết và cây sống) để rút ngắn thời gian cho một cây còn trẻ trở thành một cây cảnh nghệ thuật cổ lão… và có thể có nhiều thứ vị nhiều gợi hứng, nhiều sáng tạo hơn trong kỹ thuật tạo dáng.

Vật liệu cần thiết để thực hiện kỹ thuật này:

  1. Thân cây chết hoặc gỗ lũa có độ mộc cứng, chịu được độ ẩm. Đường kính gốc và các cành lớn nhỏ, tùy ý thích và tùy khả năng tìm kiếm được của chúng ta.
  2. Đục, khoan .. dây kẽm, vài miếng xốp hoặc cao su.
  3. Cây con đang độ phát triển mạnh.

Cách thực hiện:

Chúng ta có một thân cây khô hoặc gỗ lũa đã được đục, khoan… tạo rãnh theo chiều dài và theo thớ gỗ từ gốc lên ngọn (tạo từ một đến nhiều rãnh). Các rãnh này được đục khoan, khoét bằng cách nào đó để chúng có hai ngàm hai bên mộ rãnh (hình) và đường kính mộ rãnh hơi lớn đường kính cây con một chút mà chúng ta muôn áp dụng.

Điều này khá quan trọng trong kỹ thuật tanuki.

Cây con chúng ta chọn là cây đang độ lớn nhanh, rất thích hợp với kỹ thuật này. Chúng ta đặt, chèn cây con vào các rãnh (hình), từ dưới gốc gỗ lũa lên đến ngọn hoặc cành thích hợp.

Nên để ý: đừng làm thân cây bị dập hoặc tách vỏ ra khỏi phần mộc.

Sau đó, dùng mấy miếng xốp, đẹm bên ngoài thân cây, và dung dây kẽm xiết chặt lại từ gốc lên đến ngọn (hình). Mục đích dùng mấy miếng xốp để dây kẽm không ăn vào vỏ cây ngay được, và do đó không tạo tỳ vết sau này trên thân cây. Rồi, trồng vào một chậu có chiều sâu tương đối, để cây con phát triển mạnh.

Đất nên thoáng để rễ cây có thể tiếp thu nhiều oxy, phát triển tố. Sau đó, nên dùng phân có nhiều đạm tố (N) hầu giúp cây mau lớn.

Khi cây con lớn, trước hết, nó phải phát triển và làm đầy các rãnh, rồi sau đó là các ngàm, trước khi tràn ra ngoài mép rãnh. Khi cây đã lớn và bắt đầu tràn ra ngoài mép rãnh (hình), chúng ta có thể cắt dây kẽm và lấy miếng xốp ra.

Nên để cây phát triển tự do vài năm, nghĩa là không cắt tỉa, trong khoảng thời gian đó, chúng ta có thời giờ định dáng cho cây hơn vào các chi tiết. Rồi dùng dây đồng, kẽm… cuốn cành và bẻ theo dáng mà chúng ta muốn

Tiếp tục chăm cây để các cành ngọn… phát triển theo đúng ý muốn.

Những phần gỗ lũa còn lại, tùy theo trình độ kỹ thuật và mỹ thuật chúng ta lĩnh hội được, chúng ta có thể áp dụng các kỹ thuật khác nhau như Jin, shari, Saba-Miki .. (bóc vỏ, đục trạm thân cành) để cây có dáng tự nhiên, và nâng cao kỹ thuật của cây.

Sau khi tạo dáng, và ứng dụng các kỹ thuật cần thiết vào cây và khi cây đã gần như hoàn thiện, chúng ta có thể tìm một chậy đẹp phù hợp dáng, kích thước của cây  bonsai để thay.

Chính vì những lý do này, chúng ta đều nhận ra rằng: bonsai là một nghệ thuật và khác hẳn với “cây trồng trông chậu” một cách thông thường.

Với kỹ thuật taniki, chúng ta sẽ rút ngắn nhiều thời gian tạo dáng và chúng ta có các gốc, thân, cành… của gỗ lũa ưng ý nhất và sau cùng là loại cây mà chúng ta thích nhất.

Trên đây là một số kỹ thuật được AgriMark tổng hợp để các bạn tham khảo. Chúc các bạn thành công và có nhiều tác phẩm đẹp.

Xem thêm: Tản mạn về cây Thiên Tuế – Vạn Tuế, gọi như thế nào cho đúng? II Những phong cách biến hóa sáng tạo của Bonsai hiện đại II Kinh nghiệm điều chỉnh rễ và kỹ thuật tạo rễ cho Bonsai II Tản mạn về “dáng Văn Nhân” và kỹ thuật làm cành rơi

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG