Phương pháp xử lý phôi mai chiếu thủy và kinh nghiệm ủ ẩm cây phôi

Cây mới "săn" về thường cắt trụi để nuôi lại, ta gọi là "phôi", chỉ trừ những cây đã định hình sẳn mà người chơi gọi là cây "bán thành phẩm" hoặc "thành phẩm", đa số nghệ nhân thích "xử" lại theo "định hướng và chiến lược" của mình. Bài viết dưới đây là kinh nghiệm  về việc xử lý cây phôi. Mời các bạn theo dõi.

1. Xử lý phôi khi mới mua về

(Bài của tác giả Dinhthaidic)

Nên làm sạch vết cắt và bôi keo thật kỹ, việc này rất quan trọng, sẽ quyết định rất lớn sự thành công của cây sau này. Tôi đã từng thất bại vì đã xem nhẹ việc này, khi cây hoàn thiện mà thẹo vẫn bị mục và thậm chí tuột, cuối cùng trở hành công cốc

Xử lý sạch bầu đất, cắt sạch rễ bị dập và thối, đối với những mặt cắt rễ lớn, nên dùng dao sắc gọt thật ngọt bề mặt cắt trước khi đem cây đi ngâm nước.

Sau khi cưa cành xong, dùng dao gọt thật sạch mặt cắt, sau đó dùng keo (hình bên dưới) bôi 1 lớp mỏng và để khô và bôi 1 lớp dầy và để khô tiếp. Tiếp theo bôi thêm 1 lớp keo Mỹ Tiến và để khô trước khi đưa ra trồng vào chậu.
Keo Nhật chất lượng tốt ta bôi bên trong để kích thích các tế bào mau phát triển, keo Mỹ Tiến rẻ tiền nên có thể bôi bên ngoài 1 lớp đủ dày để bảo vệ vết cắt khỏi các tác động cơ học bên ngoài mà không thấy xót tiền!
Bạn cũng có thể tham khảo cách tự làm keo liền sẹo, tại links này.

Ngâm nước có pha thuốc kích thích ra rễ ( ví dụ N3M) trong vòng từ 12 đến 24 giờ, mục đích bổ sung lượng nước đã mất của cây và kích thích cây phát triển bộ rễ tốt hơn.

Dùng cát 100% (cát sạch hạt to), sau khi trồng xong, phủ 1 lớp bột dừa lên trên mặt, mục đích giữ ẩm cho chất trồng.
Việc trồng cát 100% theo tôi có tác dụng : Giúp chậu thoát nước tốt, những vết cắt ở đầu rễ sẽ không bị thối, giúp phục hồi thẹo nhanh.

Sau thời gian từ 1,5 – 2 tháng, cây phục hồi và phát triển mạnh, bắt đầu bón phân cho cây, tôi chỉ dùng 1 loại phân là bánh dầu Đài Loan vì sự tiện dụng của nó, tùy theo độ lớn của chậu và cây mà bón từ 3-4 cục bánh dầu to cở nắm tay.

Cắt tỉa lần đầu sau 6 tháng

Đây là hình ảnh cây đã được trồng 6 tháng theo phương pháp trên.

Các thẹo đã kéo mạnh.

Cây mai chiếu thủy phôi sau khi cắt định hình sẽ mọc ra rất nhiều chồi gần chỗ bị cắt, vì vậy sau 3-4 tháng cây phát triển bình thường, cành mọc to cở 2/3 đầu đũa ăn, chúng ta cắt lại và xử lý mặt cắt mới. đồng thời uốn cành định hình lần thứ 1.
Đây là hình ảnh cây mai chiếu thủy tôi trồng từ tháng 5/2012, đến tháng 09/2012 cắt lại và định hình lần 1. Mời các bạn tham khảo.

Thay đất trồng sau 1 năm

Sau thời gian từ 10 – 12 tháng tùy theo sự phát triển mạnh yếu của từng cây, rễ đã lan ra kín chậu, bắt đầu thay bằng chất trồng mới : 30% cát, 30% trấu sống hoai, 30% bột dừa , 10% tro trấu.

Một lưu ý quan trọng là nếu bạn cắt chừng nào rễ thì cũng cắt bỏ chừng đó lá tương ứng, và đừng cắt trụi lá hoặc trụi rễ.

Phản hồi – giải đáp:

Hỏi: Anh đánh giá thế nào về cách trồng cây mai chiếu thủy bằng nham thạch? Đợt đó em cũng thử 100% với nham thạch nhưng thấy nó không tốt lắm, lúc tưới thì nước chưa kịp thấm mà đã thoát hết ra ngoài, chưa kể dùng nham thạch thấy nó hấp thu nhiệt kinh khủng, cây cũng không phát triển tốt nên em không dùng nữa, chỉ lấy nham thạch pha trộn với các loại khác thôi.
Đáp: Nham thạch rất hiệu quả, nếu trồng bằng nham thạch cây phát triển rất tốt, nhưng phải trộn với sơ dừa để giữ ẩm, anh chỉ dùng nham thạch cho cây thành phẩm thôi, cây nguyên liệu mà dùng nham thạch thì tiền đâu chịu nổi, cây trên trồng bằng nham thạch trộn với cát đó bạn.
Ở miền Bắc nắng nóng ngoài trời lên tới 45o-50oC, nếu nham thạch hấp thu nhiệt thì quả là không ổn. Ai có kinh nghiệm sử dụng nham thạch xin chia sẻ kinh nghiệm cho mình với. Riêng mình dùng xỉ than đối với tất cả các loại cây đều ổn, chỉ cần pha thêm sỏi 3-5mm với những cây ưa đất khô thoáng như tùng, thông.

Hỏi: khi có rễ cám rồi, cắt đi và kèm theo những rễ to cưa lại, thì có ngâm thuốc kích thích ra rễ nữa không,và khi cưa rễ to có cần để cho vết cắt khô không, hay là cưa rồi ngâm thuốc rồi trồng luôn?
Đáp: Chào bạn, mục đích trồng bằng cát giúp cây tránh bị thối rễ, sau 1 thời gian cây phát triển mạnh ( thường thì từ 10 – 12 tháng) cây đã ổn định trên chậu nên thay bằng chất trồng mới như bài viết trên, tuy nhiên do trồng bằng chất trồng trơ ( cát , nham thạch) nên nguồn dinh dưỡng chủ yếu từ phân bón, ở đây là bánh dầu tôi bón trên lớp mặt, vì vậy rễ cây có xu hướng đi lên để tìm thức ăn, khi thay chất trồng mới tôi chỉ cắt tỉa gọn rễ cám và cắt những rễ cám hướng lên mặt chậu, riêng rễ lớn tôi đã cắt ngay khi cây còn nguyên liệu rồi. Sau khi xử lý sạch chất trồng và cắt rễ xong, tôi trồng ngay vào chậu mà không phải ngâm nước với thuốc ra rễ.
Hỏi: làm thế nào để vết cắt mau liền sẹo?
Đáp: Nếu các bạn trồng môi trường khô thoáng thì thẹo sẽ kéo rất nhanh, ngược lại môi trường ẩm ướt thì nên làm vệ sinh cây thường xuyên.
Định kỳ 5-6 tháng bạn nên kiểm tra vết cắt, nếu bị khô, thẹo sẽ kéo rất chậm, ta nên cắt lại mép sẹo rồi bôi keo liền sẹo 1 lần nữa.

2. Kinh nghiệm giữ ẩm cây phôi

(tác giả Lê Đức Thiện -Bonsai Ninh Bình)

Đối với những cây quá khỏe như sanh hoặc mai chiếu thủy thì khi xử lý cây chỉ cần để vào nơi mát, ít gió và ánh sáng tán xạ là đủ. Tuy nhiên với đa số dòng cây khác như nguyệt quế, linh sam, sam núi v.v thì nên dùng thêm một số biện pháp giữ ẩm tăng cường, và đây là một trong số đó.

Điều tối cần thiết đối với cây phôi mới khai thác là chỉ giữ ẩm cho rễ và thân, tránh tưới nước và tuyệt đối không bón phân.
Nếu bạn có hệ thống phun sương cho cây thì thật quá tốt rồi, ví dụ hình dưới đây là phòng phun sương giữ ẩm liên tục trong 1 năm cho cây tùng California. Tiếc là không phải ai cũng có điều kiện làm như vậy.

Nếu không mọi biện pháp tưới nước đều không ổn. 1 là tưới 10′ sau thân cây lại khô luôn, chả lẽ ngồi canh cả ngày sao? 2 là tưới nhiều quá đất úng nước sẽ hại rễ non. Vậy xin giới thiệu 1 cách giữ ẩm rẻ tiền mà hiệu quả như sau:
Bạn mua loại giấy bọc thực phẩm có bán tại siêu thị hoặc các cửa hàng tạp hóa. Giá của chúng khá rẻ, loại cuộn nhỏ cỡ 10 nghìn, mẹ mình mua loại 80k dùng bọc thức ăn cho gia đình 1 năm mới hết. Bạn cắt thành từng khúc cỡ 10cm cho dễ thao tác.

Cây phôi khai thác về, bạn quấn kín toàn thân để giữ ẩm. Lưu ý quan trọng rằng biện pháp này tạo môi trường ẩm và kín không khí, do đó nấm mốc dễ phát sinh. Để an tâm, hãy sử dụng thuốc diệt nấm phun 1 lượt lên thân trước khi quấn. Bạn có thể dùng thuốc diệt nấm mua ngoài cửa hàng, hoặc đơn giản là pha loãng thuốc Lime-sulphur (thuốc bôi lũa) với nước theo tỷ lệ 1/50 ra xịt lên thân cũng có tác dụng diệt nấm.

Thường xuyên kiểm tra hàng tuần, nếu thấy nấm mốc xuất hiện thì tháo bọc ra để khô 2 ngày rồi quấn lại. Còn nếu thấy ra chồi thì dùng dao lam rạch lỗ cho chồi thoát ra, hoặc tháo dần màng bọc.

Phương pháp bọc nilong giữ ẩm này có thể ứng dụng trong một số trường hợp khác.

Ví dụ:
Chú Trần Thắng dùng màng nilong bọc chồi khi ghép linh sam lại cho khỏi bị khô:

Chú Vũ Hưng dùng màng nilong bọc chậu cây tùng lại trong suốt mùa đông ở California để giữ ẩm và ấm. Khi đó môi trường trong chậu trở thành một cái “nhà kính” nho nhỏ.

Xem thêm: Tìm hiểu về các giống Mai Chiếu Thủy và kinh nghiệm phân biệt chúng ll Kinh nghiệm chăm sóc Kim Thanh Mai

Vườn Thực Nghiệm AGRIMARK 
ĐC: F8/3A Võ Hữu Lợi, X.Lê Minh Xuân, H. Bình Chánh, TP.HCM - ĐT: 0915 35 35 75
 Emai: [email protected] - Hot line: 0915 35 35 75
agrimark.org là website chia sẻ kiến thức phi lợi nhuận
LH Quảng cáo: CÔNG TY TRUYỀN THÔNG BẦU TRỜI MỚI
776 - C84/8 Nguyễn Văn Quá , Q.12, TP.HCM
EMG