Tác giả Lê Đức Thiện đã tổng hợp những tư liệu về cây Tùng La Hán rất hay và bổ ích. AgriMark chia sẻ để các bạn có thêm tư liệu bổ sung vào kinh nghiệm của mình. Mời các bạn tham khảo:
Tùng la hán từ A tới Z
(Lê Đức Thiện: BONSAININHBINH.COM))
Mình cũng không hiểu chính xác tên loài mình đang nói tới trong bài này là thông la hán, tùng la hán hay vạn niên tùng. Tên tiếng Việt có vẻ không thống nhất nên mình không muốn đi sâu bàn về vấn đề này. Chỉ biết tên khoa học của loài này là Podocarpus macrophyllus là một loại cây thuộc họ Thông tre (Podocarpaceae). Đây là một loài cây gỗ lớn, lá hình giải hẹp, quả có hình ông la hán đang ngồi tụng kinh.
Tùng la hán nhân giống rất dễ, đơn giản chỉ là cắt cành giâm xuống cát ẩm là chúng lên ầm ầm! Mời bạn tham khảo cách giâm cành tùng la hán để biết thêm chi tiết.
Phân loại tùng la hán
Tùng ta
– Tùng la hán Bắc: Lá dài và mỏng, đọt xanh đọt chuối, mắt lá rất thưa so với tùng Nam. Bù lại, cây phát triển nhanh hơn.
– Tùng la hán Nam: Lá dài hơi to ngang, dày hơn chút, mắt lá khít hơn tùng Bắc.
– Tùng la hán lá nhỏ (tùng la hán lưỡi chim): Lá hơi cong về mặt sau, đuôi lá hơi nhọn. Kích thước lá bằng khoảng 2/3 tùng la hán Nam, mắt lá khít, nhìn nhuyễn và mềm mại.
Tùng Tàu:
– Tùng la hán Đài Loan: Lá dài, to ngang hơn tùng ta, đầu lá tròn chứ không nhọn, dày, đầu lá non ra như bông cúc, màu lá hơi lợt (nhạt).
– Tùng la hán Đài Loan lá nhỏ: tương tự lá tùng la hán Đài Loan nhưng ngắn và chỉ to bằng phân nửa loại lớn, đầu búp non ra chùm chùm như tia chiếu của kim cương nên có nơi gọi là tùng kim cương.
Tùng La Hán Đài Loan
Ngoài các tùng trên, trong mỗi loại còn chia ra làm 2 loại là Đực và cái. Cái thì có hoa và quả thì ra như ông sư La Hán ngồi tụng kinh nên gọi là tùng La Hán. Đực chỉ có hoa, không có qủa.
Quan điểm của mình là dù giống tùng gì thì cũng tương tự nhau thôi. Bạn đừng ngại nuôi cây lâu thu được kết quả. Cuối cùng thì cũng đi tới chung một đích là một cây tùng lá cực nhỏ và dày. Hơn nữa, thời gian luôn có giá của nó. Giá trị của thời gian ở đây được biểu lộ qua lớp vỏ sần sùi bong tróc, chứng tỏ cây đã rất già.
Trên trang quản trị của bonsaininhbinh mình thấy nhiều người tìm kiếm tùng la hán lưỡi chim quá. Theo mình thì không nên bởi về vẻ đẹp của vỏ cây khi già, độ vặn xoắn, độ khít của mắt lá cũng chẳng hơn gì tùng lá to là mấy. Trái lại nhược điểm của cây lá nhỏ là lâu lớn (đương nhiên vì lá nhỏ thì khả năng tổng hợp dinh dưỡng kém hơn lá to nhiều.) Còn khi thành phẩm thì tùng lá lớn hãm lá cũng nhỏ mà, trung bình dài khoảng 2cm và mình sẽ còn ép nhỏ nữa được, tầm đó chơi cũng được rồi bởi mình ít thấy ở Việt Nam ép lá nhỏ cỡ đó. (Hình dưới là chụp hồi đầu năm, bây giờ lá đã già và vẫn giữ kích thước khoảng 2cm, hôm nào rảnh mình chụp lại hình ^^) Nghĩa là nếu bạn muốn trồng cây siêu mini cỡ trồng được vào vỏ trứng thì tùng lưỡi chim chiếm ưu thế (vì mắt lá khít, lá nhỏ là quan trọng còn cây lớn nhanh lớn chậm không thành vấn đề). Còn nếu chơi cây cảnh tầm trung bình trở lên (cao trên 30cm) thì tùng lá lớn thích hợp hơn nhiều.
Đất trồng dành cho tùng la hán
Không có một công thức chung cụ thể nào cả. Bởi còn phụ thuộc vào thời tiết, tình trạng sức khỏe cây, giai đoạn nuôi phôi hay cây đã thành phẩm v.v Ví dụ, cùng một cây nhưng nếu bạn nuôi trên sân thượng nhiều nắng gió thì phải khác với nuôi trên mặt đất. Ở đây mình đưa ra vài công thức để tham khảo thôi nhé:
- Cây bán thành phẩm nuôi trên sân thượng: 3 xỉ, 3 sỏi, 1 phân giun, 1 đất mặt ruộng, 1 cát, ít vỏ trứng. Tất cả trộn đều. Bên dưới chậu có lót chút xỉ hạt to còn lại trong quá trình sàng lọc xỉ để thoát nước nhanh. Ngày mình tưới 1 lần, hôm nào nắng gắt tưới 2 lần sáng chiều.
- Cây bán thành phẩm nuôi trên mặt đất: 3 sỏi, 1 xỉ, 1 phân giun, 1 đất mặt ruộng, 1 cát, ít vỏ trứng. Tất cả trộn đều. Trên mặt đất ít nắng gió hơn sân thượng nên cần một loại đất trồng thoát nước nhanh.
- Cây thành phẩm: 1 xỉ, 1 sỏi, 1 đất, 1 cát, ít phân giun và vỏ trứng. Tất cả trộn đều. Công thức đất này “bí” hơn nên kìm hãm sự phát triển của rễ.
Có một khó khăn là khi bạn trộn đất như trên thì thường đất bị rửa trôi rất là nhanh trong quá trình tưới. Tưới được vài hôm bạn sẽ thấy còn trơ lại xỉ với sỏi không, còn phân cát đi đằng nào hết! Để khắc phục, có một mẹo nhỏ là bạn hãy trộn hỗn hợp trên rồi để nơi giâm mát, tránh mưa trong vòng nửa năm, các thành phần sẽ kết dính với nhau tốt hơn. Khi bạn đem trồng, đất vẫn bị rửa trôi nhưng đó là sự rửa trôi với tốc độ hợp lý. Đất bị rửa trôi có một điều lợi là rễ sẽ có không gian để phát triển, nên mình khuyên bạn đừng cố tìm kiếm một loại đất mãi mãi nguyên xi không bao giờ phải thay!
Đánh tùng la hán từ vườn lên chậu
Tùng la hán có rễ nhỏ, mảnh và rất dễ tổn thương. Cho nên mặc dù đây là loại cây khỏe nhưng bạn vẫn nên đánh cây có cả bầu đất thì tỷ lệ sống sẽ cao, cây lại nhanh khỏe.
Cách làm như sau: đánh cả bầu đất, dùng dao sắc cắt gọt bầu cho gọn (ít nhất bầu đất phải còn bằng 1/2 diện tích tán lá). Cắt bỏ một phần lá tương ứng với lượng rễ bị cắt bỏ. Lưu ý rằng cắt bỏ phần rễ nào thì phải lần theo mạch gỗ mà cắt phần lá tương ứng. Để cả bầu đất vào chậu và lót xỉ quanh thành chậu sao cho cây đứng vững. Thời gian sau cây phát đọt và lá già đi thì lần lượt lấy liềm thọc vào trong đất cắt bỏ từng khu A, B, C, D và thay đất mới vào (vẫn để nguyên cây trong chậu). Sau khoảng 2,3 năm bạn sẽ hoàn thành việc lên chậu cho cây.
Chăm sóc uốn tỉa
La hán ưa ẩm, chịu được khô, nhưng nếu chậu sũng nước, đất nhão thành bùn thì la hán dễ chết. Biểu hiện sớm nhất là la hán xuống màu. Phải kịp thời ngừng tưới nước, có khi cả tuần. Dùng que xiên rải rác trên mặt đất sâu xuống tận đáy chậu làm tăng thoát hơi nước và đưa nhiều không khí vào đất. Để nơi râm mát chờ khi đất khô ta mới tưới từ từ trở lại, không tưới sũng. Các biện pháp đánh cây ra, cắt rễ đen, trồng lại đều rất ít kết quả. Khi búp la hán xòe ưỡn ra tối đa là lúc trong chậu đang thiếu nước nặng, cần bổ sung kịp thời.
Phân bón: thông thường với người có điều kiện thời gian như mình thì mình pha phân vào nước và tưới hàng ngày. Không cần cố định một loại phân nào mà nên luân chuyển mỗi loại một tý. Dù cao lương mỹ vị mà ăn mãi một món cũng chán, cây cũng vậy thôi. Mình dùng kết hợp nước tiểu, b1, thuốc kích thích ra rễ, phân hữu cơ sông Gianh, phân bò ủ hoai trộn tro bếp.
Tỉa lá: dùng tay bẻ ngược những lá già sát chân cành. Chân cành trống sẽ kích thích mầm non phát ra rất nhiều. Không như nhiều người cho rằng tùng la hán khó lấy chi cành như ý muốn, mình thì thấy chúng mọc mầm tua tủa như rau muống, lấy chỗ nào chả được! Lưu ý quan trọng đối với tùng la hán cũng như tất cả các loại cây lá kim (cây thuộc họ thông tre, nên mình gọi là cây lá kim là không sai) là không được vặt quá 1/3 lá một lúc, cây rất dễ bị sốc.
Sâu bệnh và cách phòng trừ: Tùng la hán chỉ bị mỗi một bệnh là rệp ăn lá non. Tuy nhiên rệp rất dễ chết, chỉ cần bạn giã tỏi+ớt ngâm rượu vài hôm rồi đem ra phun lên lá vài lần là rệp chết hết. Hoặc ra cửa hàng thuốc bảo vệ thực vật mua thuốc trị rệp cải về phun. Mình thì không thích dùng thuốc trừ sâu, độc lắm, dùng tỏi là đủ rồi!
Hỏi – đáp:
Hỏi: mình có cây tùng la hán nhỏ ngoài Bắc gởi vào, khoảng nửa tháng nay các lá( lá già+ lá non) cứ khô từ đầu lá vào, dần dần khô hết lá. Cây của mình bị bệnh gì và cách chữa?
Đáp: Theo mô tả thì cây đang bị chết dần có thể do dư nước hoặc do trồng không đúng cách làm cho bộ rễ bị hỏng dẫn đến cây chết. Tùng la hán thường là rễ chết 1 thời gian rồi mới rũ lá nên khi thấy các lá héo từ từ rồi chết hẳn thì việc cứu lại cây đó rất khó.
Hỏi: Làm sao nhận biết cây tùng la hán đang khỏe mạnh?
Đáp: Lấy ngón tay vỗ vỗ vào đầu lá. Nếu thấy cứng như kim châm là cây khỏe, nếu thấy xìu xìu là cây yếu.
Hỏi: Mình có một cây Vạn Niên Tùng,dự định trồng lên hòn đá thấm thủy có hốc khá vừa.Vậy khi em trồng cây lên hốc đá,sau này đất hết dinh dưỡng thì em có phải thay đất không?
Đáp: Bạn lấy một ít vỏ dừa khô cho vào hốc đá, rồi cho đất vào trồng, có vỏ dừa thì lâu phải thay đất, cứ bón dynamic thì kô sợ thiếu dinh dưỡng đâu. Có thể thay đất 1/2 bằng cách dùng vòi nước phun cho trôi đất đi và bỏ đất mới vào.
Xem thêm: Kiến thức, Kinh Nghiệm Trồng Và Chăm Cây Thông ll Kinh nghiệm về cây Ngọa Tùng & Duyên Tùng ll Kinh nghiệm cắt tỉa cây tùng lá kim ll Cây Tùng Thơm